Dầu thô rơi vào thị trường giá xuống trong thời gian gần đây chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ năng lượng, vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, giảm mạnh. Đợt bán tháo vừa qua tương tự như những gì đã diễn ra vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Khi đó, giá dầu chỉ còn 26 USD/thùng, dấy lên những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh đó chỉ là báo động giả.
“Cục diện hiện nay khiến tôi nhớ tới thời điểm cuối năm 2015. Câu hỏi đặt ra là liệu đà bán tháo vừa qua của thị trường dầu mỏ có phải là điềm báo về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu trong tương lai hay không. Bởi, nếu nhìn vào số liệu cung – cầu, không có gì thực sự thay đổi trong 1 – 2 tuần qua”, CEO Citigroup Michael Corbat cho biết.
Giá dầu giảm – 85% vì cầu, 15% vì cung
Giới phân tích đang có ý kiến trái chiều về yếu tố chi phối giá dầu trong thời gian gần đây. Phần lớn cho rằng đó là tâm lý lo ngại về nguồn cung, chứ không phải là cảnh báo về nguy cơ nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Thực tế cho thấy, Arab Saudi, Nga và Mỹ đang bơm ra thị trường một lượng dầu kỷ lục. Reuters trích số liệu cho biết, tổng sản lượng dầu của ba quốc gia này trong tháng 10 đạt 33 triệu thùng/ngày lần đầu tiên, đáp ứng hơn 1/3 tổng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Riêng sản lượng của Mỹ có thể tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm 2018 với số lượng giàn khoan đang hoạt động tính đến tuần kết thúc vào ngày 16/11 lên cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Tuy nhiên, yếu tố nhu cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong đợt lao dốc vừa qua của giá dầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, nhu cầu tại châu Âu và các nền kinh tế phát triển tại châu Á lại tương đối yếu ớt. Trong đó, nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 4 thế giới, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, xuống 2,77 triệu thùng/ngày, theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản.
IEA cũng cảnh báo về sự tăng trưởng chậm lại trong nhu cầu của các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Brazil và Argentina do giá dầu cao, nội tệ suy yếu và nền kinh tế rơi vào hỗn loạn.
“Tăng trưởng nhu cầu dầu dường như đang chậm lại trên khắp khu vực châu Á do lĩnh vực tài chính bị thắt chặt và thương mại toàn cầu trì trệ”, ông Frederic Neumann tại phòng nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc HSBC nói.
Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Ziad Daoud tại Bloomberg Economics, 85% nguyên nhân khiến giá dầu Brent giảm là nhu cầu suy yếu và 15% còn lại là cú sốc về nguồn cung.
Kinh tế toàn cầu vốn đang trì trệ?
“Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám”, IEA cho biết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại ở 2,5% trong năm 2019, từ mức ước tính 2,9% của năm nay.
Trên thực tế, theo số liệu gần nhất, tăng trưởng kinh tế Đức và Nhật Bản đồng loạt giảm trong quý III. Đây là lần đầu tiên kể từ quý III/2015 kinh tế Đức, động lực tăng trưởng cho cả khu vực châu Âu, suy giảm.
Trả lời cho câu hỏi liệu đà lao dốc của giá dầu có phải là điềm báo xấu cho kinh tế toàn cầu hay không, ông Ziad cho rằng: “Rõ ràng, chúng ta đang nhìn thấy tín hiệu tăng trưởng chậm chạp của GDP thế giới, đó không còn là cú sốc mới đối với thế giới nữa”.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ed Yardeni của Công ty Tư vấn Đầu tư Yardeni Research nói: “Tôi thấy không có gì phải quá lo lắng. Tôi nghĩ giá dầu hiện nay không có nghĩa là kinh tế thế giới sẽ suy yếu đột ngột”. Theo ông Nicholas Colas, đồng sáng lập công ty DataTrek Research, chỉ khi giá dầu xuống dưới 45 USD/thùng thì mới cần lo lắng.
Liệu giá dầu có thể phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới?
Giá dầu thô có xu hướng phục hồi trong khoảng 4 phiên giao dịch gần đây, chủ yếu do đồn đoán Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh có thể giảm 1 – 1,4 triệu thùng dầu/ngày để tránh rủi ro dư cung. Đến khoảng 15h09, giá dầu Brent tăng 1,14% lên 67,52 USD/thùng.

Bank of America Merrill Lynch dự báo: “Chúng tôi tin rằng thị trường dầu đã bán quá mức và sẽ phục hồi vì OPEC+ đang tính tới chuyện giảm sản lượng trở lại”. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng giá dầu Brent năm 2019 sẽ khó đạt được mốc 95 USD/thùng như dự báo trước đó.
Barclays cũng cho rằng mọi thứ không tồi tệ như nhiều người nghĩ. Ngân hàng cho biết tồn kho dầu theo ngày của các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm, và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu từ nay cho tới cuối năm tới.
Theo Bloomberg, giá dầu năm 2019 sẽ bị kiểm soát bởi 3 ông lớn là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman. Bởi Mỹ, Nga và Arab Saudi sản xuất nhiều dầu hơn cả tổng sản lượng của 15 thành viên OPEC.
Tuy nhiên, ba ông lớn này lại đang có những tiếng nói khác biệt về chính sách dầu mỏ năm 2019. Trong khi Arab Saudi tuyên bố giảm 500.000 thùng dầu/ngày từ tháng 12, Mỹ lại cho rằng OPEC+ không nên giảm sản lượng và giá dầu cần phải xuống thấp hơn nữa. Nga giữ quan điểm trung lập, không mặn mà với việc giảm sản lượng nhưng lại khẳng định mức giá dầu hoàn hảo là quanh 70 USD/thùng.